Bài toán chuyển vùng trong viễn thông - part1

 1. Vấn đề chuyển vùng trong viễn thông

Trong lĩnh vực viễn thông di động, chuyển vùng (roaming) quốc tế là một trong những dịch vụ mang lại doanh thu rất cao. Các công ty viễn thông ở các quốc gia thường có thỏa thuận ăn chia về chuyển vùng với nhau để cung cấp dịch vụ đến khách hàng. Chuyển vùng quốc tế cho phép thuê bao của một mạng di động trong nước khi đi ra nước ngoài vẫn sử dụng được các dịch vụ một cách bình thường thông qua các mạng di động ở nước sở tại. Tuy nhiên đây cũng là dịch vụ thường bị tấn công gian lận để chiếm đoạt doanh thu cước phí. Gian lận chuyển vùng diễn ra khi thuê bao di động chuyển vùng và gây phát sinh cước phí lớn nhưng không có ý định thanh toán cho nhà mạng thường trú HPMN (Home Public Mobile Network). Kẻ gian lận có được các SIM card bằng nhiều cách như đánh cắp, nhân bản hoặc đăng ký thuê bao giả mạo và mang ra nước ngoài chuyển vùng để sử dụng cho các giao dịch có mức cước phí cao như gọi quốc tế hoặc truy cập các dịch vụ nội dung giá cao. HPMN không thu được cước phí của thuê bao gian lận nhưng vẫn phải chi trả doanh thu kết nối cho đối tác chuyển vùng. Hành vi gian lận chuyển vùng quốc tế lợi dụng thời gian trễ trong cơ chế trao đổi đối soát dữ liệu giữa nhà mạng thường trú và nhà mạng tạm trú. Bản ghi chi tiết (CDR-Call Detail Records) của thuê bao chuyển vùng được ghi bởi nhà mạng tạm trú VPMN (Visited Public Mobile Network) và sau một chu kỳ thời gian được tập hợp về một trung tâm thanh toán bù trừ DCH (Data Clearing House). DCH chuyển file số liệu cho HPMN để thực hiện đối soát và tính cước, quy trình này có thể mất đến một tuần. Như vậy khi HPMN phát hiện được thuê bao gian lận để ngăn chặn thì thiệt hại đã khá lớn. Chống gian lận dịch vụ chuyển vùng là một trong những ưu tiên trong ngành viễn thông di động và đây thực sự là một cuộc chiến chưa có hồi kết. Nhiều tổ chức đã đưa ra một số kỹ thuật và tiêu chuẩn nhằm rút ngắn khung thời gian trao đổi bản ghi chi tiết cuộc gọi xuống còn 4 giờ đã giúp hạn chế bớt nhiều vụ gian lận lớn. Tuy nhiên bất chấp sáng kiến này, nếu một nhóm gian lận dùng một cụm vài chục thẻ SIM thì chúng vẫn có thể gây ra nhiều thiệt hại trong vòng 4 giờ, với mức tổn thất dao động từ 50 đến 100 nghìn USD.

1.1 Hướng giải quyết

Blockchain có thể làm thay đổi sâu sắc ngành công nghiệp viễn thông. Tổ chức tư vấn quốc tế Deloitte đã nêu ra 4 trường hợp sử dụng có thể ứng dụng blockchain: quản lý gian lận, dịch vụ cung cấp xác định danh tính, triển khai 5G và kết nối IoT. Đối với phòng chống gian lận chuyển vùng có thể sử dụng các biện pháp sau:

        - Triển khai thỏa thuận chuyển vùng bằng smart contract

Một blockchain cấp phép có thể triển khai giữa các nhà mạng. Thỏa thuận chuyển vùng giữa HPMN và VPMN được thực thi dưới dạng một hợp đồng thông minh sẽ được kích hoạt khi có một giao dịch mang dữ liệu CDR được phát trên mạng blockchain như trong hình dưới


Quá trình thực hiện thỏa thuận chuyển vùng của thiết bị

Hành vi chuyển vùng của một thuê bao trong mạng VPMN sẽ kích hoạt một hợp đồng thông minh và các điều khoản của thỏa thuận chuyển vùng sẽ được tự độngthực thi. Do đó, thông tin chi tiết cuộc gọi và cước phí phải trả được ghi nhận tức thời trên blockchain. Điều này giúp xác minh cũng như giải quyết gian lận ngay trong các điều khoản của hợp đồng thông minh dựa trên blockchain. Các nhà khai thác cũng có thể loại bỏ vai trò trung gian của tổ chức DCH để tiết kiệm chi phí.

- DCH (Data Clearing House) là trung tâm thanh toán bù trừ hoạt động như một bên thứ ba trong tất cả các hợp đồng tương lai và quyền chọn. Họ là người mua cho bên bán và là người bán cho bên mua.

- Nhận dạng thuê bao bằng public key

Mã hóa khóa công khai – khóa riêng được kế thừa trong blockchain có thể dùng để xác định một thiết bị và liên kết thiết bị đó với một danh tính của thuê bao. Thay vì phải phát số IMSI (International Mobile Subscriber Identity) lên mạng để xác định thiết bị, khóa công khai của điện thoại được sẽ được gửi lên mạng. Thiết bị lưu giữ bảo mật khóa riêng, bất kỳ ai khác đều không thể biết khóa riêng của thiết bị.

Giải pháp “eSIM” này có thể giúp bảo vệ thông tin riêng được mã hóa trong khóa riêng. Khóa riêng được liên kết với chỉ một thiết bị cụ thể và do đó rất khó bị đánh cắp. Khóa công khai được sử dụng để xác định thiết bị và cấp quyền cho thiết bị trên mạng. Thuê bao được định danh bằng khóa công khai này, trong khi có thể giữ bí mật thông tin khóa riêng. Bằng cách này, các dịch vụ chỉ có thể được sử dụng bởi thuê bao đã đăng ký.

- Khóa công khai (khóa chung-public key) trong Blockchain: 

- Khóa riêng(khóa bí mật-secret key) được giữ bí mật và chỉ riêng chủ sở hữu biết

Theo_BLOCKCHAIN - ỨNG DỤNG TRONG VIỆC KHAI THÁC DỊCH VỤ CHUYỂN VÙNG VIỄN THÔNG Võ Minh Đức*, Nguyễn Mậu Hân

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.